Bệnh Tay - Chân - Miệng (TCM) có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, chủ yếu là lứa tuổi mầm non, mẫu giáo từ 1 đến 5 tuổi. TCM là bệnh do vi rút gây ra thường xảy ra vào mùa hè và có thể lây thành dịch lớn. Đây là bệnh nguy hiểm vì có thể gây ra các biến chứng như: viêm cơ tim, phù phổi cấp, liệt mềm cấp và có thể dẫn đến tử vong.
Các biểu hiện ban đầu: trẻ biếng ăn, mệt mỏi, không chịu chơi, trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, có thể kêu đau miệng sau đó xuất hiện các nốt phỏng nước ở: tay, chân, miệng và có thể ở các nơi khác như đầu gối, mông. Bệnh TCM lây truyền qua tiếp xúc với dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng nước, phân của người bệnh, lây do tiếp xúc trực tiếp giữa các trẻ hay gián tiếp qua chất tiết dính vào đồ chơi, bàn, ghế, sàn nhà, quần áo… bị nhiễm vi rút, lây khi ăn uống phải thức ăn, nước uống bị nhiễm vi rút gây bệnh.
Khi trẻ bị mắc bệnh cần cách ly ngay, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác, nếu trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo phải cho trẻ nghỉ ở nhà và thông báo cho Trạm y tế phường. Tăng cường dinh dưỡng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, khi có các biểu hiện như sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, biếng chơi, li bì, ngủ nhiều, vẻ mặt không lanh lợi, bứt rứt, hoảng hốt thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu vì vậy để chủ động phòng chống bệnh TCM, biện pháp tốt nhất là cách ly trẻ bệnh và vệ sinh khử khuẩn. Một số biện pháp phòng bệnh chủ yếu như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; hạn chế tiếp xúc với trẻ bị bệnh; khử trùng lớp học, nền nhà, nhà vệ sinh, dụng cụ, đồ chơi của trẻ bằng các hoá chất khử trùng thông thường. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch trong nhà trường cũng như ngoài cộng đồng.
Vì sức khỏe trẻ em, hãy chung tay phòng tránh bệnh tay - chân - miệng!